Căn cứ pháp lý
- Luật Đầu tư 2020;
- Nghị định số 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư;
- Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT quy định về mẫu báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam
1. Chấm dứt dự án đầu tư là gì? Các trường hợp chấm dứt hoạt động dự án đầu tư tại Việt Nam
Hầu hết nhà đầu tư đều mong muốn dự án đầu tư của mình phát triển thuận lợi nhằm đem lại lợi ích kinh tế cao nhất. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng có thể thành công, không ít trường hợp trong quá trình triển khai và hoạt động gặp nhiều khó khăn về vấn đề tài chính, thua lỗ, các vướng mắc trong các quy định pháp lý,… mà dự án không thể tiếp tục được triển khai dẫn đến việc nhà đầu tư phải quyết định tạm ngừng hoặc thậm chí là chấm dứt dự án của mình để giảm thiểu thiệt hại.
Theo đó, có thể hiểu chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư là hình thức được nhà đầu tư lựa chọn để chấm dứt một phần hoặc toàn bộ dự án khi không đủ khả năng để tiếp tục thực hiện. Vậy trường hợp phải chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư? Trình tự, thủ tục thực hiện như thế nào? Sẽ phần nào được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Các trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư
Nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện thủ tục chấm dứt một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Thứ nhất, nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư. Tùy vào tình hình hoạt động kinh doanh, nhu cầu và mục đích của mình, nhà đầu tư có thể tự mình quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư;
- Thứ hai, khi kết thúc dự án đầu tư được thực hiện theo hình thức hợp đồng hợp tác BCC giữa các nhà đầu tư trong nước hoặc giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Tùy theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng hợp tác BCC hoặc điều lệ doanh nghiệp/văn phòng điều hành được thành lập để triển khai thực hiện dự án mà nhà đầu tư có thể thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định;
- Thứ ba, hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.
Khi hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo quy định, nhà đầu tư phải tiến hành thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.
Ngoài trường hợp nhà đầu tư tự mình thực hiện thủ tục chấm dứt, Cơ quan đăng ký đầu tư nơi thực hiện dự án đầu tư cũng có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư của nhà đầu tư nếu dự án đầu tư thuộc một trong các trường hợp sau:
- Thứ nhất, dự án đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 của Luật Đầu tư 2020 (như: bảo vệ di tích, cổ vật, bảo vật quốc gia; theo bản án, quyết định của Tòa án; gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia; …) mà nhà đầu tư không có khả năng khắc phục điều kiện ngừng hoạt động;
- Thứ hai, nhà đầu tư không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư và không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư, trừ trường hợp dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai;
- Thứ ba, dự án đầu tư đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngừng hoạt động, cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư;
- Thứ tư, dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai;
- Thứ năm, nhà đầu tư không ký quỹ hoặc không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;
- Thứ sáu, nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo theo quy định của pháp luật về dân sự;
- Thứ bảy, theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài yêu cầu chấm dứt một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư.
Theo đó, nếu nhà đầu tư vi phạm một trong các trường hợp trên, Cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu nhà đầu tư không được tiếp tục thực hiện dự án. Lúc này, nhà đầu tư cần phải có các biện pháp khắc phục, hoàn thành các nghĩa vụ theo quy định,… để tiếp tục thực hiện dự án.
Ngoài ra, đối với các dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư sẽ là cơ quan có thẩm quyền chấm dứt dự án đầu tư sau khi có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
2. Trình tự, thủ tục chấm dứt hoạt động dự án đầu tư
Như đã nói ở trên, các quy định hiện nay đã thể hiện tương đối chi tiết các trường hợp có thể chấm dứt hoạt động dự án đầu tư ở cả phía nhà đầu tư tự mình thực hiện thủ tục chấm dứt dự án lẫn cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp để chấm dứt dự án đầu tư. Với một trường hợp như vậy, trình tự, thủ tục thực hiện chấm dứt hoạt của dự án đầu tư cũng sẽ có những sự khác nhau. Theo đó:
2.1. Trường hợp nhà đầu tư tự chấm dứt hoạt động dự án đầu tư
Trong quá trình thực hiện mà nhà đầu tư gặp những khó khăn không thể tiếp tục triển khai dự án, chấm dứt dự án theo hợp đồng BCC hoặc hết thời hạn đầu tư dự án thì nhà đầu tư có thể thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư tại Cơ quan có thẩm quyền theo các bước sau:
Đầu tiên, để có thểChuẩn bị hồ sơ gồm:
- Bản chính văn bản thông báo chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có);
- Tài liệu ghi nhận việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư (có thể là các quy định trong hợp đồng hợp tác BCC; các quy định trong điều lệ doanh nghiệp; các tài liệu về thời hạn hoạt động của dự án đầu tư; biên bản họp của nhà đầu tư về quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư; …).
Tiếp theo, sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có Quyết định (hoặc Thông báo) trên, nhà đầu tư gửi Quyết định (hoặc Thông báo) và nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có hoặc trong trường hợp chấm dứt dự án đầu tư theo các điều kiện quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp) cho Cơ quan đăng ký đầu tư.
Khi nhận được hồ sơ Quyết định của nhà đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan liên quan kể từ ngày nhận được quyết định hoặc thông báo về chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư. Lúc này, nhà đầu tư sẽ tiến hành thủ tục thanh lý tài sản đối với dự án của mình. Các bước thanh lý tài sản sẽ được chúng tôi phân tích rõ hơn ở phần tiếp theo của bài viết này.
Chấm dứt hoạt động văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC
Đối với các dự án được thực hiện theo hợp đồng hợp tác BCC có thành lập văn phòng điều hành, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các bước sau khi thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động văn phòng điều hành:
Bước 1: Nhà đầu tư nước ngoài cần ban hành Quyết định chấm dứt hoạt động của văn phòng điều hành trong trường hợp văn phòng điều hành chấm dứt hoạt động trước thời hạn;
Bước 2: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày có Quyết định, nhà đầu tư nước ngoài tiến hành nộp hồ sơ thông báo cho Sở Kế hoạch – Đầu tư nơi đặt văn phòng điều hành. Trong đó, hồ sơ bao gồm các tài liệu như:
- Quyết định chấm dứt hoạt động của văn phòng điều hành trong trường hợp văn phòng điều hành chấm dứt hoạt động trước thời hạn;
- Danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán;
- Danh sách người lao động, quyền và lợi ích của người lao động đã được giải quyết;
- Xác nhận của cơ quan thuế về việc đã hoàn thành nghĩa vụ về thuế;
- Xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc đã hoàn thành nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội;
- Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
- Bản sao hợp đồng BCC.
Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ nêu trên, Sở Kế hoạch – Đầu tư ban hành văn bản quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành.
2.2. Trường hợp cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoạt động dự án đầu tư
Như đã nêu ở trên, Cơ quan đăng ký đầu tư nơi thực hiện dự án cũng có thẩm quyền chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư. Khi đó, trình tự, thủ tục chấm dứt dự án đầu tư sẽ được thực hiện như sau:
Trước tiên, Cơ quan có thẩm quyền sẽ ban hành Quyết định chấm dứt một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư và gửi thông báo đến nhà đầu tư về Quyết định này;
Tiếp theo, sau khi có Quyết định chấm dứt dự án đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
Cuối cùng, sau khi nhận được các Quyết định trên, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ bị chấm dứt hiệu lực kể từ ngày Quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư có hiệu lực.
Trường hợp chấm dứt một phần dự án đầu tư
Ngoài các trường hợp được nêu ở trên, nhà đầu tư hoặc Cơ quan đăng ký đầu tư có thể chấm dứt một phần thay vì toàn bộ dự án. Theo đó, khi chấm dứt một phần quy mô dự án, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư. Tùy vào quy mô hoặc trường hợp phải điều chỉnh dự án mà Bộ Kế hoạch – Đầu tư hoặc Cơ quan đăng ký đầu tư nơi thực hiện dự án sẽ là cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư. hà đầu tư sẽ nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận điều chỉnh dự án đầu tư đến các cơ quan trên và thực hiện trình tự theo quy định pháp luật.
Một số trường hợp phải điều chỉnh dự án có thể kể đến như: khi chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án; chia, tách, sáp nhập dự án đầu tư; sử dụng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thuộc dự án đầu tư để hợp tác kinh doanh; …
Mặc dù phải chấm dứt một phần hoạt động, nhưng nhà đầu tư vẫn có thể tiếp tục tiến hành đầu tư phần còn lại của dự án mà không bị ảnh hưởng gì.
Trường hợp nhà đầu tư thực hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo
Không ít trường hợp, nhà đầu tư lợi dụng các kẽ hở trong quy định pháp luật, lòng tin từ đối tác,… mà thực hiện hoạt động đầu tư nhằm trục lợi cho mình. Có thể hiểu rằng, trong trường hợp này, nhà đầu tư đang thực hiện một giao dịch dân sự giả tạo (thực hiện một dự án đầu tư) nhằm mục đích che giấu một giao dịch dân sự khác. Trường hợp này thường xảy ra đối với các dự án đầu tư được thực hiện theo hình thức hợp động hợp tác BCC.
Khi đó, giao dịch dân sự giả tạo sẽ được xem là vô hiệu và không còn hiệu lực để thực hiện còn giao dịch được che giấu sẽ vẫn còn hiệu lực (trừ trường hợp hợp đồng giao dịch đó cũng vô hiệu theo các quy định pháp luật khác có liên quan). Lúc này, Cơ quan đăng ký đầu tư sẽ quyết định chấm dứt toàn bộ hoặc một phần dự án trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo được xác định theo quy định của pháp luật về dân sự, trên cơ sở bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án hoặc phán quyết của trọng tài.
Đối với trường hợp này, Cơ quan đăng ký đầu tư sẽ là có thẩm quyền chấm dứt dự án đầu tư. Trình tự, thủ tục sẽ được thực hiện theo các bước mà Cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt dự án.
Ngoài các trường hợp nêu trên, dự án đầu tư cũng có thể bị yêu cầu chấm dứt theo hiệu lực của các bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài. Khi đó, Cơ quan đăng ký đầu tư sẽ là cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục theo quy định pháp luật.
3. Thanh lý tài sản dự án đầu tư
Trong trường hợp toàn bộ hoạt động dự án không thể tiếp tục triển khai thực hiện, nhà đầu tư đều phải tiến hành thủ tục thanh lý toàn bộ tài sản đầu tư của dự án. Việc thanh lý tài sản này nhằm đảm bảo nhà đầu tư có thể thực hiện các nghĩa vụ về thuế, các khoản nợ, hay các khoản chi phí khác,… Thủ tục thanh lý tài sản sẽ được nhà đầu tư thực hiện như sau sau:
Đầu tiên, nhà đầu tư tự thanh lý tài sản của dự án theo quy định pháp luật về thanh lý tài sản. Bao gồm các bước như:
- Thông qua Thông báo, Quyết định chấm dứt dự án đầu tư;
- Thành lập Hội đồng thanh lý tài sản (nhà đầu tư có thể trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản dự án của mình);
- Sau đã thành lập Hội đồng thanh lý tài sản, nhà đầu tư sẽ tiến hành định giá các tài sản trong dự án của mình. Việc định giá có thể được dựa trên các yếu tố như: sổ theo dõi chế độ bảo hành, những hỏng hóc gặp phải trong quá trình sử dụng và số lần bảo trì, sửa chữa tài sản; mức độ tiêu hao nhiên liệu; và mức độ cần thiết của tài sản đó. Kết quả định giá các tài sản trên phải được lập thành văn bản khi hoàn tất;
- Trường hợp việc xác định giá trị tài sản quá phức tạp, Hội đồng thanh lý không đủ khả năng hoặc thời gian để thực hiện thì có thể thuê tổ chức thẩm định giá tài sản thực hiện việc thẩm định giá tài sản.
- Sau khi đã có kết quả định giá tài sản, nhà đầu tư có thể ra quyết định lựa chọn hình thức xử lý tài sản như: bán đấu giá, chỉ định người mua, thông báo bán công khai hoặc tự tìm kiếm người mua,…
- Cuối cùng, sau khi đã thanh lý, xử lý toàn bộ tài sản của dự án, nhà đầu tư tổng hợp và xử lý kết quả thanh lý tài sản dự án của mình.
Hồ sơ thanh lý tài sản bao gồm biên bản thanh lý tài sản cố định, biên bản định giá tài sản, tập hợp các văn bản liên quan đến kết quả xử lý tài sản (hợp đồng, hóa đơn bán hàng ), thực hiện các bút toán kế toán có liên quan (ghi giảm giá trị tài sản, ghi tăng tài khoản tiền mặt, tiền ngân hàng …)
Đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì việc xử lý quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan;
Trong quá trình thanh lý dự án đầu tư, nếu nhà đầu tư là tổ chức kinh tế bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản thì việc thanh lý dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản tổ chức kinh tế.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến các trường hợp chấm dứt hoạt động dự án đầu tư và trình tự, thủ tục thực hiện quy định này. Nhìn chung, khi đã tiến hành đầu tư một dự án, nhà đầu tư luôn mong muốn dự án của mình có thể hoạt động hiệu quả và đem lại nhiều lợi ích nhất cho mình. Việc chấm dứt hoạt động một dự án đầu tư có thể để lại nhiều ảnh hưởng không chỉ cho chính nhà đầu tư mà còn có thể ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác. Chúng tôi sẽ liên tục cập nhật các thông tin, quy định có liên quan để mang đến cho bạn đọc thông tin mới nhất và chính xác nhất.
Ngoài ra, chúng tôi có các dịch vụ hỗ trợ thủ tục pháp lý doanh nghiệp cho các khách hàng có nhu cầu. Hãy liên hệ với chúng tôi tại địa chỉ Phavila hoặc liên hệ Hotline số 0903343074 hoặc 0777020312 nếu bạn cần được tư vấn thêm về vấn đề này các dịch vụ pháp lý doanh nghiệp khác.