Các loại báo cáo thuế mà doanh nghiệp bắt buộc phải nộp hàng quý được quy định rất cụ thể trong các văn bản pháp luật về thuế. Liệu rằng doanh nghiệp có nắm rõ và thực hiện việc báo cáo thuế đúng thời hạn theo quy định không? Nếu trễ hạn nộp mà vẫn chưa hoàn thành thì sẽ bị xử phạt như thế nào? Đại lý thuế Phavila sẽ giải đáp vướng mắc cho các bạn.
Nội dung bài viết
Danh sách các loại báo cáo thuế phải nộp theo quý và hạn chót để nộp
Hoạt động của công ty luôn đi đôi với các loại báo cáo thuế để cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan thuế quản lý trực tiếp nói riêng có thể giám sát và theo dõi thường kỳ (có thể theo tháng hoặc theo quý tùy vào điều kiện) hoạt động của doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp của bạn thuộc đối tượng phải kê khai theo quý thì các loại báo cáo thuế phải nộp thông thường sẽ chia làm 02 nhóm cơ bản sau đây:
- Nhóm 01: Các loại báo cáo thuế bắt buộc phải nộp, dù là công ty mới thành lập hay hoạt động đã lâu thì luôn phải nộp các loại báo cáo thuế này;
- Nhóm 02: Các loại báo cáo thuế phải nộp khi phát sinh điều kiện, tức là chỉ khi có điều kiện này xảy ra, doanh nghiệp có làm thủ tục đăng ký với Cơ quan thuế thì mới phải nộp các loại báo cáo thuế này.
Nhóm 01: Các loại báo cáo thuế bắt buộc phải nộp
1. Thuế giá trị gia tăng (GTGT)
Hàng quý, doanh nghiệp dù mới thành lập hay hoạt động đã lâu, có phát sinh hay không phát sinh thuế giá trị gia tăng (GTGT) thì doanh nghiệp vẫn phải có nghĩa vụ kê khai và nộp Tờ khai thuế GTGT theo đúng quy định. Tùy vào phương pháp kê khai mà chia làm 02 trường hợp như sau:
✅ Trường hợp áp dụng kê khai thuế theo phương pháp khấu trừ thì hồ sơ bao gồm:
- Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo mẫu số 01/GTGT (ban hành kèm theo Thông tư 26/2015/TT-BTC).
✅ Trường hợp áp dụng kê khai thuế theo phương pháp trực tiếp thì hồ sơ bao gồm:
- Nếu trực tiếp trên giá trị gia tăng thì nộp: Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo mẫu số 03/GTGT (ban hành kèm theo Thông tư 26/2015/TT-BTC);
- Nếu trực tiếp trên doanh thu thì nộp: Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo mẫu số 04/GTGT (ban hành kèm theo Thông tư 26/2015/TT-BTC).
Lưu ý: Cho dù không phát sinh thuế giá trị gia tăng trong kỳ nhưng doanh nghiệp vẫn bắt buộc phải nộp loại báo cáo thuế này, khi sử dụng phần mềm HTKK chỉ cần tích vào – Chỉ tiêu [21] : “Không phát sinh hoạt động mua, bán trong kỳ”.
Nhóm 02: Các loại báo cáo thuế phải nộp khi phát sinh điều kiện
1. Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
Hàng quý, doanh nghiệp không phải nộp Tờ khai thuế TNDN nhưng phải tự tạm tính số thuế TNDN cần nộp căn cứ vào tình hình kết quả hoạt động, sản xuất kinh doanh khi phát sinh thuế TNDN theo quy định tại Điều 17 Thông tư 151/2014/TT-BTC.
Lưu ý: Về việc nộp tạm tính thuế TNDN không đúng với số thuế phát sinh:
- Nếu tổng số thuế tạm nộp theo quý thấp hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm từ 20% trở lên thì doanh nghiệp bắt buộc phải nộp tiền chậm nộp đối với phần chênh lệch tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế quý bốn của doanh nghiệp đến ngày thực nộp số thuế còn thiếu so với số quyết toán;
- Đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp theo quý thấp hơn số thuế phải nộp theo quyết toán dưới 20% mà doanh nghiệp chậm nộp so với thời hạn quy định (thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm) thì tính tiền chậm nộp kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đến ngày thực hiện nộp số thuế còn thiếu so với số quyết toán.
2. Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
Trong kỳ, chỉ khi doanh nghiệp phát sinh tiền thuế TNCN thì mới phải nộp Tờ khai thuế TNCN theo các trường hợp được quy định tại Điều 16 Thông tư 156/2013/TT-BTC và được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 92/2015/TT-BTC như sau:
- Tổ chức, cá nhân có phát sinh thuế TNCN từ tiền lương, tiền công thì nộp Tờ khai thuế mẫu số 05/KK-TNCN;
- Tổ chức, cá nhân có phát sinh thuế TNCN từ đầu tư vốn, từ chuyển nhượng chứng khoán, từ bản quyền, từ nhượng quyền thương mại, từ trúng thưởng của cá nhân cư trú và cả không cư trú, từ kinh doanh của cá nhân không cư trú thì nộp Tờ khai thuế mẫu số 06/KK-TNCN;
- Công ty xổ số kiến thiết, công ty bảo hiểm, công ty bán hàng đa cấp phát sinh thuế TNCN từ việc chi hoa hồng cho đại lý thì nộp Tờ khai mẫu số 01/XSBHĐC. Lưu ý: Đối với Tờ khai nộp cho tháng/hoặc quý cuối cùng trong năm thì phải kèm theo Phụ lục 01-1/BK-XSBHĐC (không phân biệt có khấu trừ thuế hay không khấu trừ thuế).
Về thời hạn nộp tờ khai thuế TNCN phụ thuộc vào việc kê khai thuế GTGT bao gồm các trường hợp sau:
☑️ Nếu doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo quý thì kê khai thuế TNCN cũng theo quý. Vậy hạn chót để nộp Tờ khai thuế TNCN là ngày 30 của tháng đầu tiên của quý kế tiếp.
☑️ Nếu doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo tháng thì lại chia thành 02 trường hợp nhỏ:
- Nếu trong tháng phát sinh số thuế TNCN > 50.000.000 VND thì kê khai theo tháng. Vậy hạn chót nộp Tờ khai thuế TNCN là ngày 30 của tháng đầu tiên của quý kế tiếp;
- Nếu trong tháng phát sinh số thuế TNCN < 50.000.000 VND thì kê khai theo quý. Vậy hạn chót nộp Tờ khai thuế TNCN là ngày 30 của tháng kế tiếp.
2. Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn
Khi doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục phát hành hóa đơn thì hàng quý, doanh nghiệp phải nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo mẫu BC26-AC cho dù có phát sinh hay không phát sinh hóa đơn. Trường hợp không phát sinh thì DN nộp báo cáo trống.
Hạn nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn cũng được xác định là ngày 30 của tháng đầu tiên của quý kế tiếp.
Ví dụ: Công ty Phavila thành lập ngày 03/08/2019 nhưng mãi đến ngày 14/04/2020 mới thực hiện thủ tục phát hành hóa đơn điện tử. Mặc dù đã phát hành nhưng từ đó cho đến hết ngày 30/06/2020 Công ty Phavila vẫn chưa có khách hàng để xuất hóa đơn thì khi báo cáo quý 2/2020 Công ty Phavila vẫn phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn (Báo cáo trống). Và hạn chót để nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn quý 2/2020 là ngày 30/07/2020.
Một vài lưu ý về hóa đơn:
- Hầu như tất cả DN đều phải nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quý, kể cả doanh nghiệp mới thành lập có đăng ký phát hành hóa đơn. Chỉ trừ một số DN thuộc vào dạng rủi ro cao về thuế mới phải nộp theo tháng;
- Cho dù DN có phát sinh hóa đơn đầu vào, đầu ra hay không phát sinh, một khi DN đã tiến hành phát hành hóa đơn mẫu thì phải nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn trong kỳ kê khai.
3. Tờ khai lệ phí môn bài
Tờ khai lệ phí môn bài (trước đây gọi là thuế môn bài) là loại tờ khai doanh nghiệp chỉ nộp 01 lần khi mới thành lập và chỉ khi có sự thay đổi về mức đóng lệ phí môn bài mới phải nộp lại. Hạn nộp Tờ khai lệ phí môn bài là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Lưu ý: Kể từ ngày 25/02/2020 Chính phủ đã ra Nghị định 22/2020/NĐ-CP miễn lệ phí môn bài năm đầu tiên cho doanh nghiệp mới ra thành lập hay miễn lệ phí môn bài 03 năm liền cho hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi lên mô hình công ty.
>>> Xem thêm: Thuế môn bài là gì? Có được miễn thuế môn bài năm đầu tiên không?