Ở bài viết trước, chúng tôi đã phân tích các quy định cấp giấy phép về phòng cháy chữa cháy liên quan đến quá trình Thẩm duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy. Các đối tượng, trình tự, thủ tục thực hiện Thẩm duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích các quy định về thủ tục Nghiệm thu phòng cháy và chữa cháy, bước tiếp theo trong quá trình thực hiện thủ tục cấp phép phòng cháy chữa cháy.
>>>> XEM THÊM : CẤP GIẤY PHÉP PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY (PHẦN 1) <<<<
Nội dung bài viết
Căn cứ pháp lý
- Luật phòng cháy, chữa cháy 2001
- Nghị định số 136/2020/NĐ-CP
- Thông tư số 149/2020/TT-BCA
Nghiệm thu phòng cháy chữa cháy là gì?
Sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền Thẩm duyệt phương án thiết kế về phòng cháy chữa cháy, tổ chức và cá nhân cần tiếp tục thực hiện thủ tục nghiệm thu phòng cháy chữa cháy để có thể được xem là hoàn tất các quy định đáp ứng được điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo quy định.
Nếu như thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy là việc thẩm định, kiểm tra các phương án phòng cháy chữa cháy trên bản vẽ thì có thể xem nghiệm thu phòng cháy chữa cháy là quá trình nghiệm thu từng phần, từng giai đoạn, từng hạng mục, từng hệ thống và nghiệm thu bàn giao của cả hệ thống phòng cháy chữa cháy sau khi công trình được xây dựng và lắp đặt trước khi đưa vào sử dụng. Kiểm tra sự hiệu quả của các thiết bị và an toàn của công trình nếu xảy ra sự cố.
Hồ sơ Nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy cần những giấy tờ gì?
Tương tự như khi thực hiện thẩm duyệt về thiết kế, cá nhân, tổ chức cũng cần chuẩn bị hồ sơ đề nghị Nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy với những giấy tờ bao gồm:
- Bản sao Giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy kèm theo hồ sơ đã được đóng dấu thẩm duyệt của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy;
- Bản sao Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy (Trường hợp nghiệm thu phương tiện cơ giới);
- Các biên bản thử nghiệm, nghiệm thu từng phần và nghiệm thu tổng thể hệ thống phòng cháy và chữa cháy;
- Các bản vẽ hoàn công hệ thống phòng cháy và chữa cháy và các hạng mục liên quan đến phòng cháy và chữa cháy phù hợp với hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt;
- Tài liệu, quy trình hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng các thiết bị, hệ thống phòng cháy và chữa cháy và các hệ thống liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của công trình, phương tiện giao thông cơ giới;
- Văn bản nghiệm thu hoàn thành các hạng mục, hệ thống liên quan đến phòng cháy và chữa cháy;
- Bản sao Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy của đơn vị tư vấn giám sát (nếu có), đơn vị thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy;
- Văn bản đề nghị kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy;
- Báo cáo của chủ đầu tư, chủ phương tiện về tình hình kết quả thi công, kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm và nghiệm thu các hệ thống, thiết bị và giải pháp phòng cháy và chữa cháy.
- Các giấy tờ khác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền (nếu có).
Trường hợp cá nhân, tổ chức cử người đại diện nộp hồ sơ thay mình thì phải có văn bản ủy quyền (hoặc Giấy giới thiệu) có xác nhận chữ ký của các bên hoặc bản sao của văn bản ủy quyền này để chứng minh tính hợp pháp của văn bản cùng với CCCD/CMND/Hộ chiếu còn giá trị sử dụng.
Ngoài ra, văn bản, tài liệu có trong hồ sơ phải có xác nhận của chủ đầu tư, chủ phương tiện, đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị thi công. Hồ sơ nếu bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch ra tiếng Việt theo quy định pháp luật.
Cơ quan nào sẽ tiếp nhận hồ sơ đề nghị Nghiệm thu phòng cháy và chữa cháy?
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cần có nêu trên, tổ chức, cá nhân có thể nộp 01 bộ sơ đề nghị Nghiệm thu phòng cháy và chữa cháy đến cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã thẩm duyệt về thiết kế trước đó thông qua các hình thức như:
- Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền;
- Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền;
- Thông qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân khi tiến hành nộp hồ sơ cần lưu ý về thời hạn nộp hồ so với ngày chủ đầu tư, chủ phương tiện đề nghị tổ chức kiểm tra nghiệm thu. Cụ thể:
- Tối thiểu trước 10 ngày làm việc đối với dự án, công trình quan trọng quốc gia, dự án, công trình nhóm A theo quy định;
- Tối thiểu trước 07 ngày làm việc đối với các công trình còn lại và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.
Thời hạn chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy là bao lâu?
Quá trình kiểm tra, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy sau khi nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân được thực hiện theo trình tự gồm 02 bước sau:
- Bước 1:
- Đối với dự án, công trình quan trọng quốc gia, dự án, công trình nhóm A theo quy định. Trong thời hạn 10 ngày ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã thẩm duyệt trước đó có trách nhiệm tổ chức kiểm tra nghiệm thu và lập biên bản kiểm tra kết quả nghiệm thu.
- Đối với các dự án công trình còn lại và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã thẩm duyệt trước đó có trách nhiệm tổ chức kiểm tra nghiệm thu và lập biên bản kiểm tra kết quả nghiệm thu.
- Bước 2: Sau khi kiểm tra và thông qua biên bản nghiệm thu, trong thời hạn 07 ngày làm việc, cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm xem xét, ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy và trả lại hồ sơ nghiệm thu đã nhận trước đó cho chủ đầu tư, chủ phương tiện.
Như vậy có thể thấy, tùy vào từng trường hợp khác nhau mà thời hạn nhận văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy từ cơ quan có thẩm quyền của tổ chức, cá nhân có thể từ 14 đến 17 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy là một trong những căn cứ để cơ quan có thẩm quyền cấp phép đưa công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy vào sử dụng. Cũng như có thể xem rằng, tổ chức, cá nhân đã hoàn thành các yêu cầu, quy định về phòng cháy và chữa cháy đối với các công trình và phương tiện theo quy định.
Từ đó có thể thấy, các quy định hiện nay liên quan đến quá trình chuẩn bị, kiểm tra và cấp giấy phép phòng cháy và chữa cháy tương đối chặt chẽ và chi tiết. Đảm bảo sự an toàn của các công trình và phương tiện trước nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra cũng như nâng cao ý thức về phòng cháy chữa cháy của người dân sau những vụ việc đáng tiếc xảy ra trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì các quy định này cũng gây ra không ít sự khó khăn cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục. Sự thiếu hướng dẫn trong các văn bản pháp luật và các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy hiện nay chưa phù hợp với thực tiễn cũng đặt các tổ chức, cá nhân vào tình huống tiến thoái lưỡng nan. Bởi lẽ, nếu như làm theo quy định thì họ không biết phải làm như thế nào vì quy định không có hướng dẫn cũng như phải đầu tư nhiều chi phí cho phòng cháy chữa cháy hơn để đáp ứng được các quy định. Còn nếu không thực hiện thì các công trình, phương tiện không thể đưa vào sử dụng vì chưa được cấp phép gây ra những thiệt hại buộc họ phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động thậm chí là chấm dứt hoạt động kinh doanh của mình.
Chính vì vậy, một sự “cởi trói” trong các quy định về phòng cháy và chữa cháy là điều cần thiết mà các tổ chức, cá nhân đang chờ đợi từ cơ quan có thẩm quyền để các quy định này vừa có thể dễ dàng thực hiện nhưng vẫn đảm bảo an toàn theo quy định vừa giúp hoạt động phòng cháy chữa cháy trong xã hội được nâng cao hơn.
Trên đây là những quy định, trình tự, thủ tục mà các tổ chức, cá nhân cần phải thực hiện để có thể đáp ứng được các yêu cầu về Giấy phép phòng cháy chữa cháy theo quy định. Nếu có thắc mắc hoặc cần hỗ trợ tư vấn về vấn đề trên hoặc các vấn đề pháp lý khác hãy đừng ngần ngại mà liên hệ với chúng tôi qua Hotline 0903343074 hoặc 0777020312 hoặc tại địa chỉ Phavila chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.